Những điểm thú vị trong ngày Tết Nguyên đán 3 miền Bắc – Trung Nam? Tết Nguyên đán là ngày Tết lớn nhất trong năm của người Việt còn được gọi là Tết Cổ truyền. Đây là dịp để mọi người đoàn tụ cùng gia đình, trở về quê hương và nhớ về Tổ tiên. Mỗi miền lại có những phong tục và cách đón Tết khác nhau. Vậy Tết nguyên đán của 3 miền có nét gì đặc trưng? Cùng Vietjet.net tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé! Đừng quên đặt vé máy bay Tết nếu bạn đang có dự định về quê trong năm nay nhé!
Tết nguyên đán của 3 miền có nét gì đặc trưng?
Bánh chưng, bánh tét
Nhắc tới Tết, hình ảnh đầu tiên mà mọi người nhớ đến là món bánh chưng, bánh tét. Do văn hóa và điều kiện thời tiết mà việc sử dụng bánh chưng hay bánh tét cũng có sự khác biệt giữa 3 miền.
Bánh chưng là là tinh túy của ẩm thực miền Bắc. Trong những ngày đầu năm mới người dân tất bật chuẩn bị lá dong, nếp, đỗ xanh, thịt heo để gói bánh chưng dâng lên tổ tiên để thể hiện lòng biết ơn đối với Trời Phật, thần linh và ông bà tổ tiên.
Người ta thường nhắc câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…”. Không có thịt mỡ, không có dưa hành, không có bánh chưng, không có cây nêu, tràng pháo thì không phải ngày Tết.
Người miền Nam, thường dùng bánh Tét, nguyên liệu vẫn giống như bánh chưng nhưng lại được gói theo hình trụ dài, bởi thời tiết miền Nam nắng nóng, gói như vậy sẽ bảo quản được lâu hơn. Người ta còn có thể dùng lá chuối thay cho lá dong hoặc cũng có nhiều người gói bánh tét nhân ngọt như nhân chuối, nhân chay, nhân dừa, nhân thập cẩm…
Miền Trung thì họ gói cả bánh chưng và bánh tét. Sự khác biệt là bánh chưng nhỏ hơn, ít nhân hơn và đặc biệt người miền Trung sẽ không dùng bánh tét để làm quà biếu trong ngày Tết.
Hoa Tết
Mỗi miền cũng có thú vui chơi hoa trong ngày Tết khác nhau. Cây đào là loại hoa đặc biệt của Tết Nguyên đán của miền Bắc vì ở đây có khí hậu lạnh. Khi Tết đến xuân về, ở miền Bắc xuất hiện những càng đào tươi thắm với ý nghĩa mang lại sự ấm cúng, hy vọng, niềm vui và năm mới an khang thịnh vượng cho mọi gia đình. Tết mà thiếu hoa đào thì coi như thiếu cả mùa xuân. Cứ thấy hoa đào là lòng người lại rạo rực háo hức đón chờ ngày Tết truyền thống, ngày đoàn viên xum họp của gia đình.
Miền Trung – Miền Nam thời tiết nắng nóng, vì vậy rất hiếm hoa đào, thay vào đó người ta sẽ chơi hoa mai. Ở miền Nam, hầu như nhà nào cũng sẽ có cây mai trước cửa, vào ngày Tết thì những chậu mai lại bung nở những bông hoa vàng rực rỡ. Hoa mai tượng trưng cho sự phú quý, tốt lành. Người ta quan niệm ngày Tết mà trưng hoa mai thì gia đình sẽ an nên làm ra, tài lộc như nước, tiền bạc dư dả, phú quý đầy nhà.
Ngũ quả ngày Tết
Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả. Với những loại trái cây khác nhau tạo nên những màu sắc, hình dáng cùng những ý nghĩa khác nhau.
Mâm ngũ quả ở miền Bắc khá đa dạng và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Họ có thể trưng đủ mọi loại quả lên mâm ngũ quả miễn sao nhìn mâm ngũ quả thật đẹp mắt.
Mâm ngũ quả của người miền Nam có sự khác biệt, họ không trưng chuối, bởi chuối phát âm gần giống với “chúi”mang hàm ý của sự đi xuống, thất bát. Thay vào đó họ sẽ trưng dưa hấu, vì màu đỏ của dưa sẽ đem lại sự may mắn cho gia chủ. Ngoài ra, mâm ngũ quả của người Nam sẽ có thêm 5 loại quả là: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với quan niệm “cầu vừa đủ xài”. Nhiều nhà thường có thêm quả sung để cầu mong cho năm mới được sung túc.
Mâm ngũ quả của người miền Trung có sự giao thoa giữa 2 miền Nam và Bắc. Trên mâm ngũ quả của họ có bày chuối, mãng cầu, sung, xoài. Tuy nhiên họ không bày cam quýt vì quan niệm “cam đành quýt đoạn”.
Xem thêm: 60+ câu chúc Tết hay ngắn gọn & ý nghĩa
Mâm cỗ Tết Nguyên Đán
Cỗ tết truyền thống của người Việt trên khắp mọi miền đất nước đều có những món truyền thống không thể thiếu như: bánh chưng, bánh tét, gà luộc, giò lụa… Nhưng tùy vào tập quán, tính cách và khí hậu của mỗi vùng miền mà mâm cỗ Tết của 3 miền cũng có nhiều nét đặc trưng riêng.
Nếu để ý thì mâm cỗ Tết miền Bắc lúc nào cũng có những món ăn như: bánh chưng, dưa hành, món cuốn, gà luộc, canh khoai tây ninh xương, canh măng giò heo, nem rán (chả giò), rau xào… mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc đặc biệt hơn nhờ những món ăn được làm nhờ không khí lạnh mà miền Trung, miền Nam không có được đó chính là thịt nấu đông, giò mỡ.
Với khí hậu khô nóng, miền Nam lại có những món ăn riêng để thưởng thức không khí Tết riêng như: bánh tét, củ kiệu tôm khô, nem rán chua ngọt, thịt kho tàu, gỏi cuốn và các món gỏi.
Thông thường, các mâm cỗ của người miền Trung gồm: bánh tét, nem chua, thịt ngâm mắm, chả bò, dưa món, bánh tổ…
Như vậy, cùng đón ngày Tết cổ truyền nhưng phong tục đón Tết của 3 miền lại có những nét đặc trưng riêng. Đó đều là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được giữ gìn và phát huy. Năm mới sắp tới rồi! Chúc bạn và gia đình một năm mới An khang – Thịnh vượng, Vạn Sự – Như Ý!