Lịch sử trình duyệt Internet thế giới

Lịch sử trình duyệt Internet thế giới qua anh bạn huyền thoại Internet Explorer. Vừa qua, tại sự kiện phát hành Windows 10, Microsoft chính thức ra mắt một trình duyệt mới hoàn toàn với Cortana tích hợp và khả năng ghi chú trực tiếp vào nội dung web : Microsoft Edge, niềm hy vọng mới của Microsoft trên chiến trường trình duyệt ngày càng khốc liệt hơn.

Internet Explorer thần thánh

Internet Explorer thần thánh

Microsoft cũng nhấp nháy đây là thời điểm kết thúc Internet Explorer. Trình duyệt IE 11 vẫn còn trên Win 10 nhưng chỉ là để hỗ trợ cho những doanh nghiệp còn hoài cổ có thể tiếp tục tranh thủ thêm chút ít ngày tháng. Nếu bạn hỏi bất cứ end user nào của Win 10 về việc sử dụng browser nào thì đáp án không ai khác là Chrome hoặc Firefox, lâu lâu thì có Opera chứ tuyệt nhiên không thấy IE hoặc Edge mới mẻ này. Thời đại Internet Explorer thần thánh đã trôi qua, những tai tiếng năm xưa của em nó vẫn còn đó bất chấp việc năm xưa, trình duyệt này đã từng là đại diện cho khả năng sáng tạo vượt trội của hãng công nghệ lừng danh Microsoft.

Câu chuyện quá khứ ít người biết : hai năm sau khi Tim Berners-Lee sáng tạo ra World Wide Web, một loạt các trình duyệt đã ra mắt để đưa người dùng khai phá thế giới HTML hoang sơ. Vào năm 1993, Trung tâm NCSA, Mosaic được Đại học Ilinois Urbana-Champaign ra mắt và xem như là một sản phẩm đột phá. Ứng dụng trình duyệt này từ bỏ nền tảng Unix khó nhằn để đặt chân lên thiên đường Windows và đây cũng là cái đầu tiên hỗ trợ đồ họa cho các trang web vẫn đang mang hình dạng văn bản thô sơ, Mosaic đã góp phần đưa một phát minh vô danh trở thành thế giới Internet muôn màu của chúng ta ngày hôm nay.

Lịch sử trình duyệt Internet thế giới qua Mosaic

Lịch sử trình duyệt Internet thế giới qua Mosaic

Nhưng thật đáng buồn khi đời không như là mơ với cái tên Mosaic. Năm 1994, Marc Andreeseen (một trong những nhà sáng lập) tách ra mở công ty mới có tên là Netscape Communications. Trình duyệt này phát huy tuyệt đối thế mạnh của Mosaic nhưng lại được cung cấp miễn phí cho end user nên nhanh chóng đẩy lùi đàn anh và lên ngôi vương của thế giới Web giai đoạn 1995. Bị thâu tóm thị phần (hơn 80%) bởi người anh em ra sau, Mosaic chấm dứt hoạt động đầy bi thương vào đầu năm 1997. Quy luật tương sinh tương khắc : ngay từ khi vẫn còn đang trên đỉnh Olympia, NCSA đã tìm được một đối tác nhượng quyền có tên Spyglass và họ đã xây dựng cho mình một bản Mosaic với mã nguồn hoàn toàn mới và rồi sau đó tiếp tục đem nhượng quyền cho Microsoft (trùm mafia).

Internet Explorer đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Hợp đồng hai bên có ghi rõ thỏa thuận ban đầu là Spyglass sẽ nhận tiền định kỳ mỗi quý và sẽ được chia phần trăm lợi nhuận từ trình duyệt IE. Tuy nhiên, gã khổng lồ phần mềm lại mạnh tay cung cấp hoàn toàn miễn phí Internet Explorer và chỉ trả cho Spyglass khoản phí định kỳ. Spyglass cho rằng mình bị chơi xỏ lá nên dọa kiện ra tòa Microsoft buộc Bill Gates phải xoa dịu với khoản tiền đền bù sơ bộ chừng 8 triệu USD (ở thời điểm cách đây 20 năm). Sau hai version đầu tiên khá mờ nhạt là 1.0 và 1.5, bắt đầu từ IE 2.0 Microsoft đã từ bỏ engine của Spyglass và chuyển sang sử dụng bộ engine tự thiết kế của mình. Trong giai đoạn này, Microsoft tích cực bám đuổi anh bạn Netscape với các tính năng đối thủ đang có như mã hóa SSL, cookie, trình duyệt mail tích hợp sẵn, thậm chí, IE còn tiên phong cho khả năng… sao chép bookmark từ đối thủ. Trong thời gian một năm, mặc dù thị phần tăng gấp 3 lần nhưng IE 2.0 vẫn chỉ đạt vỏn vẹn 9%. Netscape Navigator vẫn là kẻ thống trị khi đang chiếm 90% thị trường trình duyệt.

Netscape Navigator 1.0

Netscape Navigator 1.0 cụ tổ trong lịch sử trình duyệt Internet thế giới

Hãng nào thì cũng chơi chiêu khi cạnh tranh.

Microsoft thời kỳ này cũng là nạn nhân của sự độc quyền khi Netscape lợi dụng vị thế áp đảo thị phần để liên tục tung ra nhiều đòn thế hiểm ác về mặt kỹ thuật. Các đối thủ cạnh tranh chưa kịp hỗ trợ hết các thẻ HTML cũ thì Netscape đã tung ra tiếp thẻ mới đẩy cuộc chiến trình duyệt trở thành một cuộc rượt đuổi không cân sức. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Microsoft sở hữu một vũ khí vô cùng lợi hại đó chính là Windows. Tháng 8/1996, Microsoft bắt đầu tích hợp thẳng Internet Explorer 3.0 vào phiên bản Windows 95 bán tới các nhà sản xuất phần cứng khiến đối thủ đứng hình.

Windows 95 lúc mới phát hành

Windows 95 lúc mới phát hành

Thời điểm này, Microsoft có trong tay đội ngũ kỹ sư tuyệt vời. Họ xây dựng Internet Explorer 3.0 chất lượng ngang ngửa với Netscape nhưng còn mang đến một tính năng sau này đã trở thành yếu tố kinh điển của thiết kế web : Cascading Style Sheets (CSS). Nhờ có công nghệ đột phá này, coder không còn phải copy paste các đoạn mã HTML giống nhau mà chỉ cần tạo ra các kiểu đại diện và tái sử dụng tùy ý. Ngoài ra, IE 3.0 còn mang đến nhiều tính năng mới lạ khác như ActiveX và Java Applet nhằm mang đến trải nghiệm web phong phú hơn cho người dùng.

Windows 95 thần thánh

Windows 95 thần thánh

Đặc biệt, IE3 đánh dấu sự xuất hiện của một phiên bản Javascript có tên “JScript”. Lý do ra đời của JScript cũng khá phức tạp: JavaScript mang bản chất hoàn toàn khác biệt với ngôn ngữ Java của Sun nhưng lại được đặt tên chung để phát huy sức mạnh thương hiệu. Không muốn động đến “con troll bản quyền” Sun Microsystems (và sau này còn tồi tệ hơn là Oracle, công ty mua lại Sun), Microsoft sao chép gần như toàn bộ Javascript mã nguồn mở sang JScript để cung cấp cho IE. Khoảng cuối năm 1997, Internet Explorer 3.0 đã cán mốc 20% thị phần người dùng trình duyệt trên thế giới tuy cán cân vẫn đang lệch về phía Netscape nhưng Microsoft đã tìm ra chìa khóa thay đổi cuộc chơi : lợi khí Windows và khả năng tư duy sáng tạo.

Cột mốc vàng son 1997

Tháng 10/1997 tại San Francisco, Microsoft chính thức giới thiệu Internet Explorer 4.0 và logo chữ E huyền thoại. Sáng ngày hôm sau, nhân viên của Netscape phát hiện ra một logo chữ E màu xanh cao 3 mét nằm chễm chệ trước cửa trụ sở của mình. Tức giận, họ đạp đổ và dựng lên ngay ở đó một chú khủng long “Mozilla” (“Mosaic” + “Godzilla”) với tấm biển “Netscape 72, Microsoft 18” trước ngực.

Logo huyền thoại chữ e

Logo huyền thoại trong lịch sử trình duyệt internet thế giới

Các phiên bản tiếp theo IE 4, 5 và 6 đều mang đến nhiều đột phá trong tính năng, giúp lập trình viên xây dựng trang web hiệu quả hơn và được khai thác triệt để trên nền tảng Windows. Các khái niệm lần đầu xuất hiện như dựng hình Trident, Active Desktop, Dynamic HTML .. . thậm chí là hô biến Windows Explorer thành IT ngay và luôn đã giúp cho Microsoft thu hẹp khoảng cách với đối thủ. Nói gì chăng nữa thì anh Bill lúc này đã quá giàu. Việc người dùng mua bản quyền Windows để rồi sau đó được tặng IE miễn phí đính kèm bên trong khiến cho đối thủ Netscape ngộp thở và đi đến tiến trình giải tán mau lẹ. Nguồn lực tài chính cộng với đội ngũ kỹ sư tinh nhuệ đã giúp Microsoft làm chủ cuộc chơi theo cách của mình. Họ ngồi đếm ngược chờ thời điểm bước lên đỉnh vinh quang !

Phiên tòa chống độc quyền nhắm vào Microsoft 1998

Phiên tòa chống độc quyền nhắm vào Microsoft 1998

Ở khía cạnh khác, người dùng giai đoạn cuối thập niên 90 vẫn còn đang bì bõm trong sự ảo diệu của Windows, đặc biệt là khi phiên bản 95 ra đời chắp cánh cho khái niệm GUI thân thiện người dùng. Họ không quan tâm lắm đến trình duyệt nào ngon hay dở, công nghệ bên trong chi phối chất lượng trang web và rất đơn giản : IE gần như đáp ứng đủ mọi yêu cầu đến từ người dùng khó tính nhất. Hàng loạt công nghệ khủng được Microsoft gói gọn bên trong và tặng miễn phí người dùng khi mua Windows đã khiến các đối thủ của họ khóc ròng, con số hơn 100 triệu USD đầu tư hàng năm cho IE chẳng thấm tháp gì so với lợi ích mà hãng thu về.

Các phiên bản Windows liên tiếp ra đời

Các phiên bản Windows liên tiếp ra đời

Ở bên kia mặt trận, Netscape luống cuống tìm cách đáp trả nhưng hãng đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Các phiên bản 3.0 rồi 4.0 tung ra vội vàng mà chưa được kiểm tra kỹ lưỡng đã khiến người dùng khó chịu khi máy tính của họ bị treo. Hàng loạt tình huống bi hài diễn ra và rồi điều tồi tệ cũng đã đến : IE 5 là tân vương thời kỳ này và đối thủ lui vào dĩ vãng. Ngay lúc này, nhân tố bí ẩn ra đời, dự án Mozilla thần thánh được hình thành trong đống tro tàn của cựu hoàng Netscape Navigator (về sau được bán với giá hơn 4 tỷ USD).

Sự kiêu ngạo lại khiến anh ấy ra đi

Internet Explorer chạm mốc 96% lượng người dùng trên toàn cầu, giấc mơ của mọi trình duyệt và trở nên vô đối trong khoảng này. Thật tiếc khi Microsoft đã xem thường phần còn lại của thế giới. Họ tuyên bố không nâng cấp IE riêng rẽ mà phát hành chung với các bản vá windows gọi là service park. Phiên bản 6.0 ra đời cùng hệ điều hành Windows XP huyền thoại mà nhiều thế hệ người dùng gắn liền kỉ niệm với nó.

Internet Explorer 6 trên Windows XP

Internet Explorer 6 là bước ngoặt trong lịch sử trình duyệt Internet thế giới

Sau 10 năm phát hành, version 6.0 này vẫn chiếm đến 18% lỗi khai thác trong danh sách lỗ hổng kinh điển mà các hacker thèm muốn. Doanh nghiệp kêu trời trong khi Microsoft thì đủng đỉnh tung ra bản vá. Khá nhiều nơi người dùng kêu ca về những thiệt hại này nhưng hãng vẫn thờ ơ và đám đông hiểu rằng họ không nên lệ thuộc khá nhiều vào Microsoft. Trình duyệt Firefox 1.0 xuất hiện trong hoàn cảnh vô cùng khiêm tốn như vậy.

Chủ tịch Billgate đang nói về XP

Chủ tịch Billgate đang nói về Windows XP

Điều tồi tệ với những lập trình viên Web

Trong suốt nhiều năm tháng phát triển của Internet, mọi trình duyệt đều có lượng fan nhất định lẫn người không thích nó. Nhưng IE thì quả thật là trường hợp ngoại lệ khi đa phần người dùng đều không thích nhưng vẫn sử dụng em nó. Doanh nghiệp sau khi mua bản quyền Windows đều ra sức khai thác triệt để chi phí đã bỏ ra nên vô tình đi vào vết xe đổ : xài IE trong đau đớn. Mỗi ngày qua đi họ mỗi nhận thức được rằng mình đang sai lầm khi xài của nợ này.

Internet Explorer 7

Internet Explorer 7

Dù IE7 đã mang đến nhiều cải tiến so với IE6 nhưng cả 2 thế hệ trình duyệt này đều thoải mái phá vỡ các chuẩn mực của W3C đưa ra. Ban đầu, đây sẽ không phải là một vấn đề quá lớn vì người dùng thực ra chẳng có một lựa chọn nào ngoài IE cả nhưng đến giữa năm 2007, thì Firefox 2.0 lên tiếng (trình làng sau IE 7 một tuần và nhanh chóng cán mốc 2 chữ số thị phần người dùng). Firefox 2.0 bổ sung các tính năng đột phá như duyệt nhiều tab, tốc độ nhanh hơn hẳn IE cũng như kiến trúc module cho phép mở rộng dễ dàng mà không ảnh hưởng đến phần lõi. Firefox thời điểm này đã chính thức vượt qua IE về mặt công nghệ và tạo nguồn cảm hứng cho Opera, Safari cùng hàng loạt trình duyệt khác mạnh dạn phát triển.

Thậm chí, khi Brendan Eich, cha đẻ của Javascript và cũng là một nhà lãnh đạo Mozilla quyết tâm biến Javascript thành chuẩn mực mới với tên gọi là ECMAScript thì Microsoft vẫn quyết tâm từ chối. Bản chất ngay trong gia đình Internet Explorer cũng có sự phân mảnh đến mức Microsoft phải thiết lập một chế độ riêng cho người dùng IE 6 có thể xem các trang web được phát triển từ thời IE 5 trở xuống. Điều này buộc các lập trình viên lúc nào cũng phải duy trì ít nhất là 2 bản code cho trang web của mình: một bản dành cho các trình duyệt tuân theo W3C, một bản dành cho trình duyệt họ ghét cay ghét đắng là Internet Explorer. Thị phần của Internet Explorer sụt giảm nghiêm trọng thời gian này mặc dù vẫn là lựa chọn mặc định trong môi trường doanh nghiệp.

Cuộc chiến trình duyệt

Cuộc chiến trình duyệt

Google lên tiếng

Firefox với bộ engine dựng hình Gecko ngày càng hoàn thiện và ổn định, đa dạng tính năng hơn. Firefox 3.0 ra đời và nhanh chóng trở thành trình duyệt yêu thích nhất của người dùng với kỷ lục 8 triệu lượt tải trong 1 ngày. Nhưng đắng lòng khi em nó không thể lật đổ gã khổng lồ Microsoft mà phải chờ đến khi người hùng mới xuất hiện : Chrome thần thánh. Đầu tiên phải kể đến gmail, kẻ lật đổ yahoo và hotmail. Ứng dụng nền web này cần nhiều tính năng động đòi hỏi hiệu năng JavaScript /Ajax cao. Bên cạnh đó thế giới chào đón Google Maps và Youtube, hai gã khổng lồ cũng chạy trên nền web.

Với Microsoft, WWW chỉ là một phần nhỏ đi kèm trong bữa tiệc lớn mà họ quan tâm là hệ điều hành. Ngược lại Google thì khác, họ xác định tương lai mình nằm trên web và dĩ nhiên yếu tố trải nghiệm người dùng được ưu tiên hàng đầu. Khách hàng càng lướt web lâu bao nhiêu thì anh ấy càng bán được quảng cáo nhiều bấy nhiêu. Các lập trình viên sẽ mất nhiều hơn thời gian cho việc thiết kế trang web để đổi lại sự tiện ích cho người dùng cuối. Các nhà quản trị Google nhanh chóng nghiệm ra họ cần một trình duyệt của riêng mình : Google Chrome xuất hiện tại đây.

Google Chrome

Google Chrome

Cuối năm 2008 và đầu năm 2009, Google Chrome ra mắt bà con với hàng loạt kỹ thuật mới dù vẫn còn đó khá nhiều khiếm khuyết. Ưu điểm vượt trội của em nó chính là tốc độ và trải nghiệm người dùng, một điều mà IE vốn xem thường bấy lâu và Firefox chưa thể hoàn thiện. Thế giới luôn cần đến những ông hoàng mới nổi trong không gian sáng tạo. Mỗi ngày qua đi, trình duyệt mới này không ngừng tạo sức ép lên các đối thủ khác và nhanh chóng hoàn thiện mình. Google trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới, kéo theo đấy là đội ngũ coder đông như quân Nguyên hậu thuẫn cho Chrome.

Đầu năm 2012, Google Chrome chính thức qua mặt Firefox và lên ngôi thống lĩnh. Các phiên bản 8 – 9 – 10 của IE đi dần vào quên lãng mặc dù đã có nhiều tiến bộ. Người dùng không còn quan tâm lắm đến chuyện Microsoft làm trò gì trong các trình duyệt của mình. Họ vẫn ghi nhớ việc mình đã bị hãng xỏ mũi thế nào trong nhiều năm tháng qua. Microsoft lúc nãy phải ra sức vượt lên chính mình, sức lì năm tháng đã biến hãng công nghệ này trở nên già cỗi và chậm chạp so với phần còn lại của thế giới : nhanh hơn và chính xác hơn.

Chữ E mới của Microsoft

Chữ E mới của Microsoft

Vietjet khuyến mãi 2024
65/28 Giải Phóng, P.4, Tân Bình

Tìm vé rẻ nhất